0
IN ẤN QCQuảng Cáo
Nữ huấn luyện viên cho rằng, bản thân chị không bất ngờ khi Phương Mỹ Chi không giành chiến thắng. Điều đó không phải vì em kém tài hơn mà là vì em thiếu may mắn hơn.
- Cảm giác của chị như thế nào khi nghe người chiến thắng không phải là Phương Mỹ Chi của đội chị, trong khi trước đó, rất nhiều người dự đoán đội của chị sẽ chiến thắng?

- Tôi ở trong nghề này lâu rồi nên tất cả những gì diễn ra tôi đều dự đoán được và không có gì bất ngờ cả. Trong một cuộc thi, ngoài khả năng bắt buộc phải có còn cần đến yếu tố may mắn nữa. Điều này chỉ chiếm phần rất nhỏ, nhưng nếu không có thì sẽ không thể chiến thắng được. Vì sao? Vì khi đã vào đến vòng cuối cùng, tài năng là ngang nhau, ai cũng đều xứng đáng thì mới có thể đi đến cuối chặng đường được. Vậy thì yếu tố còn lại chỉ là sự may mắn mà thôi. Cho nên, với tôi, chuyện một trong ba em ai được cũng đều xứng đáng và không có gì là bất ngờ cả.

Hôm kết thúc cuộc thi, cũng có nhiều phóng viên hỏi Phương Mỹ Chi: “Em có buồn không khi mà trước đó nhiều người dự đoán em sẽ thành quán quân?”. Tôi nghĩ rằng, đối với một đứa trẻ thì đừng có hỏi như vậy vì tâm hồn của chúng rất nhạy cảm. Cho nên, trong suốt thời gian diễn ra chương trình, điều tôi luôn trấn an các con đó là hãy coi đó là cuộc chơi và đừng có quan trọng chuyện thắng thua.


Phần trình diễn ấn tượng của Hiền Thục và Phương Mỹ Chi trong đêm chung kết The Voice Kids vừa rồi.


- Nhưng người lớn chúng ta thì không nghĩ như thế. Cho nên mới có chuyện địa phương ra tay huy động tổng lực người dân bình chọn cho thí sinh của tỉnh nhà. Chị có thấy đây còn là cuộc đua của người lớn?

- Tôi không quan tâm nhiều đến chuyện địa phương huy động người dân bình chọn cho thí sinh vì đó cũng là chuyện bình thường. Không phải thí sinh nào cũng có được may mắn đó. Quang Anh phải như thế nào thì mới được quê nhà ủng hộ như thế chứ? Trước đêm chung kết, tôi có nói với Phương Mỹ Chi rằng, bây giờ điều quan trọng nhất là con hãy hát làm sao để thật thoải mái chứ con đừng nghĩ đến chuyện thắng thua. Khi biểu diễn xong, tôi hỏi: “Con thấy thế nào, có buồn không?”. Con bảo: “Không, con không thấy buồn đâu mà ngược lại con thấy thoải mái vì được về nhì thì con không bị… hỏi nhiều”. Một đứa trẻ có tâm hồn trong sáng như vậy thì người lớn đừng tạo thêm áp lực, đừng có buồn thay cho trẻ. Đây là một cuộc chơi chứ không phải là cuộc thi nên mọi người cũng đừng nặng nề nó làm gì.

- Nhiều người thấy xót xa cho các bé khi còn nhỏ mà đã phải tham gia một cuộc thi mang tính chuyên nghiệp của người lớn. Là người huấn luyện trực tiếp các em, chứng kiến các em từng ngày, chị có gặp cảm giác này không?

- Cũng có lúc tôi có cảm giác này chứ. Cho nên tôi luôn xác định, sẽ không bao giờ để con mình tham gia The Voice Kids.

- Chị là HLV, người trực tiếp tham gia vào cuộc thi mà nói thế mà không sợ làm ảnh hưởng đến các mùa sau của chương trình sao?

- Không phải đến bây giờ chương trình kết thúc rồi tôi mới nói điều này, mà trước đó tôi đã có nói với báo chí rồi. Ngay từ đầu tôi đã xác định rất rõ, tôi tham gia The Voice Kids trên cương vị là một HLV, nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ, huấn luyện để các em hay hơn mỗi ngày. Nhưng trên cương vị là một người mẹ, tôi sẽ không cho con mình tham gia.

- Vì sao vậy?

- Vì mất thời gian, mà ở tuổi của các con bây giờ thì việc học mới là quan trọng nhất. Hơn nữa, tuy là một cuộc chơi nhưng với sự quan tâm theo dõi của hàng triệu người, các cháu cũng không khỏi gặp phải những sức ép. Hàng tuần phải tham gia rất nhiều sự kiện, nào là các hoạt động bên lề, quay clip, mỗi tuần là một bài mới… Cường độ làm việc như vậy làm sao mà không căng thẳng được.

Hiền Thục và con gái Gia Bảo.

- Chị có nghĩ, ngoài việc căng thẳng, việc tốn kém quá nhiều trong cuộc chơi này cũng là lý do để “trên cương vị là một người mẹ chị sẽ không cho con tham gia”?

- Tôi lại không xót xa điều này, bởi nếu xác định ngay từ đầu để con mình tham gia thì phải chấp nhận chuyện “mất” đó, còn nếu cha mẹ xót xa, xót của thì đừng cho con tham gia. Điều này hoàn toàn là phụ thuộc vào sự quyết định của người lớn chứ không phải các em.

- Tuy nhiên, nhìn lại cuộc thi, bản thân chị nhìn nhận cái được lớn nhất của chương trình là gì?
- Đó là đã tạo ra một sân chơi, và ở sân chơi đó, một lứa tài năng mới đã được phát hiện và nuôi dưỡng. Công bằng mà nói, nếu không có cuộc chơi này, những tài năng đó chỉ âm thầm ở nơi các em sinh sống. Vài cá nhân gặp may thì được phát hiện và phát triển, còn phần lớn là họ bị “ngủ quên”. Khán giả cũng được rất nhiều, đó là thưởng thức, bình luận…Về khía cạnh giải trí thì nó cũng đã làm được điều mà nhiều chương trình khác chưa làm được.

- Chị có kỳ vọng vào lứa nghệ sĩ mới tài năng hơn từ các thí sinh "The Voice Kids" không?

- Có chứ, rất là kỳ vọng, vì ở thời của chúng tôi, tôi không làm được như các em bây giờ.
IN ẤN QCQuảng Cáo Cuối

Đăng nhận xét

 
Top